^Về Đầu Trang

 

Các nhóm, lớp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

 Các nhóm, lớp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Mùa mưa kéo dài là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Với trẻ em mầm non thì sức đề kháng yếu dễ bị mắc bệnh, khi mắc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiểu được sự quan trọng của công tác vệ sinh môi trường, sử dụng các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết ở trẻ mầm non. Toàn thể đội ngũ cán bộ - giáo viên - nhân viên trường tích cực tìm hiểu các nguyên nhân cũng như những biến chứng dể gặp phải khi trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết.

Trẻ em mắc sốt xuất huyết dễ gặp phải một số biến chứng nặng như:

- Mất máu

Sốt xuất huyết ở giai đoạn nặng sẽ xuất hiện triệu chứng xuất huyết như: chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy qua vết thương hở. Điều này do vi rút sốt xuất huyết làm tăng tính thấm thành mạch, thoát huyết tương và khó lưu thông máu. Đến một ngưỡng nhất định sẽ gây sốc, khiến máu bị đẩy ra ngoài kèm theo các biểu hiện bứt rứt, li bì, ớn lạnh, tụt huyết áp,…

- Tràn dịch màng phổi

Khi huyết tương trong cơ thể bị tràn ra sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, dẫn đến tràn dịch màng phổi, viêm phổi hoặc phù phổi cấp. Nếu không nhanh chóng cấp cứu ngay, có thể đe dọa đến tính mạng.

- Hôn mê

Đây là biến chứng nặng nhất của bệnh sốt xuất huyết. Khi cơ thể bị xuất huyết, dịch huyết tương có thể ứ đọng ở màng não qua các thành mạch. Lâu dần, gây phù não dẫn đến hôn mê.

Để phòng tránh bệnh và các biến chứng của bệnh ở trẻ em, trường Mầm non Hoa Sen đã thực hiện một số biện pháp sau:

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

+ Đậy kín tất cả các dụng cụ,đồ dùng,đồ chơi ngoài trời có thể chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

+ Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.

+ Thau rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (xô,chậu…) hàng tuần.

+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

- Phòng chống muỗi đốt:

+ Tuyên truyền phụ huynh cho trẻ mặc quần áo dài tay.

+ Giăng mùng cho trẻ ngủ trưa phòng muỗi đốt.

Nắm rõ sự quan trọng của việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Ban giám hiệu đã quán triệt giáo viên thường xuyên vệ sinh đồ dùng, đồ chơi, giăng mùng cho trẻ ngủ trưa, thường xuyên kiểm tra trẻ khi có biểu hiện trên.

Sau đây là một số hình ảnh:

Các nhóm, lớp thực hiện vệ sinh trong và ngoài lớp học, vệ sinh đồ dùng đồ chơi của trẻ thường xuyên

 

Các lớp được ngủ mùng

Hình ảnh: Giáo viên các nhóm, lớp.

Nội dung và đăng bài: Hồng Tươi.